Sáng nay 28/9, trong không khí bồi hồi xót xa khắp khán phòng Nhà hát Quân đội, 200 đoàn viên, thanh niên quận Bắc Từ liêm trong đó có sự góp mặt của “người Nguyễn Huệ” đã được thưởng thức vở diễn “Mưa đỏ” do Đoàn kịch nói Quân đội biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu thủ đô lần V, năm 2022. Hoạt động nằm trong nội dung phối hợp của Quận đoàn – Hội LHTN quận Bắc Từ Liêm với Đoàn kịch nói Quân đội, hướng tới Chào mừng Đại hội Đoàn Thành phố Hà Nội lần thứ 16, kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956-15/10/2022).
Kịch bản “Mưa đỏ” tái dựng được không khí chiến tranh sục sôi bằng tâm thế của người từng vào sinh ra tử, bằng cái nhìn của tác giả về cuộc chiến, về Thành cổ, về chiến thắng và cả lòng người. Mà ở đó, bên trong sự trần trụi khốc liệt của mỗi người lính sẵn sàng đương đầu với cái chết là trái tim lãng mạn vô cùng, vì theo tác giả, “có lãng mạn mới sinh ra được lí tưởng, mới sinh ra sức mạnh của các giá trị tinh thần”. Biểu hiện là Cường Hà Nội, chàng sinh viên năm thứ 4 nhạc viện với “Bản giao hưởng máu” anh đã viết trong những khoảng lặng chiến tranh, ngay tại căn hầm giao thông chật hẹp. Đó là âm hưởng của lịch sử, của dân tộc, của đồng đội, âm hưởng của non sông… Trong kịch bản, người con (Cường) chiến đấu trận này để thêm một lá phiếu cho người mẹ đang họp ở Hội nghị Paris. Người mẹ làm thư kí ở Hội nghị Pari đang đọc bản Hiệp định Paris thì giọng đọc nghẹn lại khi nghe thấy tiếng gọi của người con, trong linh cảm người con đã hi sinh. Nhưng kịch không dừng ở sự đau thương đó, cũng không dừng ở chuyện “ta thắng địch thua”. Kết kịch thật ấm áp và sâu sắc: người mẹ mang theo âm hưởng bản giao hưởng máu của người con trai duy nhất hi sinh ở Thành cổ được cô gái Quảng Trị (người yêu anh từ cái nhìn đầu tiên) đưa vào Thành cổ để tìm mộ của con trai, đã gặp và từ từ đi lại phía người mẹ của người đã giết con mình “Xin phép chị cho tôi thắp cho cháu một nén nhang!”. Người mẹ phía bên kia nghẹn ngào xúc động… Đó là tư tưởng nhân văn của cuộc chiến tranh, của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, và đó chính là chủ đề âm hưởng vở kịch: Bỏ qua tất cả đau thương để hòa hợp dân tộc!”
Nếu năm xưa, mưa bom bão đạn xối xả trên chiến trường Quảng Trị khốc liệt thì những ngày này, khúc ruột miền Trung tiếp tục gồng mình đón cơn bão lớn. Mong ông trời thương miền Trung, cho bão nhạt đi, năm nào cũng chực khổ… Phía trước là những tai ương khó đoán định nhưng phía sau luôn có đồng bào, đỡ đần và chống dựa. Gửi ngàn yêu thương từ người Nguyễn Huệ tới đồng bào miền Trung thân yêu!